Nhìn mẹ thẫn thờ ngồi ở góc cầu thang nhìn căn nhà trống huơ trống hoác mà tôi không kìm được nước mắt.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, cái đạo lý này thì có ai mà không biết đâu. Mỗi nhà đều có chuyện vui chuyện buồn riêng của họ mà người ngoài chỉ có thể lắng nghe nhưng khó mà có thể thấu hiểu cho được. Bởi vậy tôi chẳng dám tâm sự chuyện chẳng đáng tự hào của nhà mình với ai, đành phải mang nó viết lại cho đỡ nặng lòng.

Bố mẹ tôi có 3 người con, tôi là chị cả, sau tôi còn 2 cậu em trai nữa. Vì là chị cả nên tôi vẫn luôn cố gắng ít nhất tự lo được cho cái bản thân mình không làm phiền đến bố mẹ phải nặng lòng. Từ ngày đi làm kiếm ra đồng tiền đến giờ tôi liền đóng tiền ăn hằng tháng, biết là bố mẹ chẳng cầm tiền của con gái làm gì đâu nhưng tự bản thân tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm với chính mình và những người trong gia đình.

Em trai út nhà tôi thì mới 16 tuổi, nó lành lắm, ngoan ngoãn chẳng bao giờ phải để bố mẹ phiền lòng vì điều gì. Nó là một đứa bé thẳng thắn và tình cảm, dù rằng ít khi nói ra mồm nhưng nó thể hiện tình cảm của nó với gia đình bằng những việc nhỏ nhặt nhất. Việc dọn dẹp nhà cửa, rửa bát, giặt giũ… nó đều chủ động nhận làm nhiều hơn. Cố gắng học tập dù bản thân thằng bé không xuất sắc trong việc học hành bằng thể thao.

Vấn đề duy nhất khiến tôi bận lòng là cậu em thứ hai.

Tôi tuy là con cả nhưng vẫn là con gái, đến tuổi thì cũng phải theo chồng về dinh thôi, chẳng thể suốt đời ở với bố mẹ được. Bởi vậy tôi hay trêu là cậu cả nên phải cố mà trưởng thành sau này chị đi lấy chồng còn chăm lo cho bố mẹ. Thế nhưng tính cách của cậu cả nhà tôi thì không giống bất kỳ thành viên nào trong gia đình.

5h sáng, tôi sững sờ nhận tin nhắn thông báo đã “khoắng” hết tài sản trong nhà đi bán từ cậu em trai - Ảnh 1.

Ngay từ nhỏ, cậu cả đã bướng bỉnh đến mức bố mẹ tôi liên tục phải lên trường họp phụ huynh cho nó với ti tỉ thứ lỗi mà giờ ngồi lại bố mẹ tôi không nhớ xuể được. Ban đầu bố tôi cũng cho rằng có lẽ con trai con gái tính nết nó cũng khác nhau, thế nhưng khi cậu út ra đời thì bố mẹ tôi mới biết hóa ra không phải cứ con trai là sẽ khó bảo hơn con gái.

Lớn hơn một chút thì học tập của cậu cả nhà tôi bết bát đến mức không ai dám nhìn vào bảng điểm của nó. Điều đáng nói là nó không hề học dốt hay kém thông minh hơn chúng bạn, mà chỉ đơn thuần là nó không thích học và chống đối giáo viên mà thôi.

Đến khi lên đại học thì vào một buổi chiều, cậu cả về nhà và thông báo đã bỏ học, bây giờ muốn Nam tiến để theo ngành pha chế rượu. Bố mẹ tôi tuy ngỡ ngàng nhưng vốn là những bậc phụ huynh kiên quyết nên không tham gia hay ngăn cản. Mọi lời khuyên và phân tích được bố tôi nói từng li từng tí một giải thích nhưng cuối cùng vẫn là tôn trọng quyền quyết định của con cái.

Một năm sau, cậu cả lết cái thân tàn ma dại về nhà, mẹ tôi cũng chẳng thể nào bỏ được con cái, chỉ khuyên nó về rồi thì nghe lời người lớn, tu chí mà làm ăn.

Ở cái thời đại này, việc không có bằng cấp cũng không có trình độ chuyên môn thì kiếm được một công việc là điều rất khó khăn. Tôi đã vận dụng mọi mối quan hệ của mình để tìm cho nó một công việc có mức lương không cao nhưng ổn định.

Những tưởng mọi chuyện đã yên ổn thì mới đi làm được nửa năm, cậu chàng lại nghỉ việc không có bất kỳ lý do nào, cũng không hề thông báo cho bất kỳ ai. Nghỉ xong lại tiếp tục lang bạt ở mấy quán rượu trong thành phố, làm không công cho người ta. Làm thì là phụ mà chủ yếu là đán đúm với đám bạn từ hồi còn làm trong Sài Gòn.

Sau sự việc đó, cậu cả có hứa với gia đình sẽ tu chí làm ăn, không chơi bời lêu lổng nữa. Thế nhưng đến cả nửa năm trời vẫn không hề đi làm tử tế. Ban ngày ngủ không ai gọi dậy được, cũng không phụ giúp việc gì trong gia đình.

Mọi chuyện được đẩy lên đỉnh điểm khi tôi đi công tác dài ngày. Đang lơ mơ vì khó ngủ chỗ lạ, tôi bàng hoàng nhận tin nhắn vào lúc 5h sáng của em trai mình!

Nội dung chỉ thông báo nó đã “khoắng” hết tài sản có giá trị trong nhà đi bán lấy tiền tiếp tục Nam tiến theo đuổi giấc mơ làm bartender.

Tôi hoảng hốt gọi điện cho nó nhưng không được, vội vàng gọi cho bố để hỏi xem nhà có vấn đề gì không. Bố tôi nhấc máy với giọng đầy suy tư, lúc này tôi biết, nó thực sự đã làm ra chuyện tày đình rồi…

Tôi bắt xe quay về nhà, bước chân vào nhìn phòng khách vốn đầm ấm nay bừa bộn đến đau lòng. Nhìn mẹ thẫn thờ ngồi ở góc cầu thang nhìn căn nhà trống huơ trống hoác mà tôi không kìm được nước mắt.

Tivi, tủ lạnh, chiếc xe máy của cả nhà, những bộ loa giá trị không hề nhỏ của bố, dàn máy tính phục vụ việc học công nghệ thông tin của cậu út cũng bốc hơi…

Tối hôm qua bố mẹ tôi và cậu út sang nhà bà nội ăn cơm rồi ngủ lại một đêm, có lẽ nắm được lịch trình này nên nó đã lên kế hoạch để tẩu tán hết đồ đạc có giá trị trong nhà đi…

Tôi ngồi phịch xuống cạnh mẹ, không kìm được mà ôm mặt khóc nức nở. Bố tôi lẳng lặng quét dọn nhà cửa. Sau cùng, ông chỉ nhìn vô định vào bức tường trước mặt và nói với mẹ.

– Thôi… Thằng này coi như bỏ…