Kỹ năng giao tiếp hiệu quả giúp bạn thành công trong cuộc sống
Trong kỹ năng giao tiếp, kỹ năng chào hỏi đóng vai trò rất quan trọng để gây ấn tượng ban đầu dành cho đối phương. Nếu như dân gian ta có câu “Miếng trầu mở đầu câu chuyện” thì kỹ năng chào hỏi đóng vai trò như “miếng trầu” vậy, rất cần thiết để làm nên một cuộc giao tiếp thành công.
Ý nghĩa của việc chào hỏi trong giao tiếp:
Khi bạn chào hỏi một ai đó, những lời chào hỏi của bạn được ví như chiếc chìa khóa, là tiền đề quyết định một cuộc trò chuyện thành công hay thất bại.
Đối với những người bạn chưa quen, việc chủ động cất lời chào sẽ cho bạn những mối quan hệ mới. Tùy thuộc vào cách chào hỏi của bạn, thân thiện hay xa lạ, lịch sự hay thô lỗ sẽ phần nào giúp đối phương đánh giá về con người của bạn. Gây được ấn tượng ban đầu với đối phương.
Không chỉ vậy, khi bạn tạo được thiện cảm cho người khác cũng đồng nghĩa cuộc trò chuyện của bạn đã thành công một nửa. Một lời chào hỏi tốt sẽ khiến người mới quen cảm giác đã thân thiết với bạn từ lâu, nhờ vậy họ sẽ mở lòng nhiều hơn khi nói chuyện với bạn.
Để lời chào hỏi phát huy được hết tác dụng của nó, với mỗi đối tượng giao tiếp trong từng hoàn cảnh khác nhau cần có một cách chào hỏi khác nhau.
3 cách chào hỏi của người Việt theo từng hoàn cảnh giao tiếp
1. Đối với người bạn không được giới thiệu
Người bạn không được giới thiệu, là người bạn phải tự chủ động làm quen. Ví như một chàng trai cảm thấy một cô gái đang yêu và muốn làm quen chẳng hạn. Hoặc một nhân viên tiếp thị đi gặp một khách hàng chưa từng quen. Lúc này việc chào hỏi quyết định rất nhiều, đây là một trong những kỹ năng giao tiếp với người lạ giúp bạn có được một mối quan hệ mới, một cuộc nói chuyện hoặc không bao giờ. Để chào hỏi thành công, bạn nên thực hiện theo các bước sau:
Tiếp cận đối phương
Đối với người lạ mà bạn không được giới thiệu, đầu tiên bạn nên tìm cách tiếp cận với họ một cách đường đường chính chính, thay vì lén lén lút lút bởi sẽ khiến người khác ác cảm. Bạn nên xuất hiễn trước mặt họ và tiếp cận bằng ánh mắt và nụ cười. Bạn phải chắc chắn được sự thân thiện trong nụ cười của mình. Chỉ nên mỉm cười thay vì cười thoải mái đối với người chưa quen. Tiếp đó là chủ động chào hỏi bằng những câu xã giao đơn giản. Mà câu chào đơn giản nhất chính là “Chào bạn/ anh/ chị….”.
Chờ sự phản hồi của đối phương
Sau khi cất lời chào, bạn đừng vội nói thêm điều gì vì sự hấp tấp của bạn có thể làm đối phương sợ hãi. Và khi có sự sợ hãi, hình ảnh bạn trong mắt họ trở nên xấu đi rất nhiều. Khi ấy, nỗ lực cố gắng làm quen của bạn sẽ trở nên vô nghĩa. Đối phương sẽ có thể đáp lại bạn nhưng chỉ theo phép lịch sự cơ bản, còn thâm tâm họ nhanh chóng muốn rời đi. Vậy nên sau khi chào, bạn cần đợi sự phản hồi của đối phương và bắt đầu trò chuyện.
Bắt đầu cuộc nói chuyện
Khi bắt đầu cuộc nói chuyện, bạn hãy chú ý nói từ những chuyện đơn giản, đợi sự thân thiết nhất định rồi đi vào chuyện chính. Mới ngay từ đầu mà chàng trai đã mời cô gái đi chơi, hoặc lập tức xin số điện thoại không phải cách hay để bắt đầu một mối quan hệ. Bạn có thể nói về thời tiết hôm nay, về quyển sách mà cô gái đang đọc, về bất cứ điều gì thú vị đang diễn ra xung quanh bằng lối nói thân thiện và tự nhiên.
Nếu ai đó nhìn bạn nghi ngờ hoặc bỏ đi khi bạn chào hỏi, cũng đừng hỏi theo họ. Hãy chấp nhận thất bại của mình và cố gắng vào những cuộc gặp gỡ tiếp theo.
2. Đối với người đã quen, hoặc người được giới thiệu
So với người mà bạn chưa quen như trên thì việc chào hỏi với người được giới thiệu hoặc người quen sẽ có phần dễ dàng hơn. Trường hợp người quen ở đây mà tôi muốn đề cập không phải với người thân hay bạn bè của bạn – bởi vì đối với những người này đã không còn khoảng cách và đôi khi lời chào hỏi sẽ làm mất đi sự thân thiết vốn có.
Chọn cách ứng xử phù hợp
Đối với những người bạn đã quen nhưng chỉ dừng lại ở mức thoáng qua, và những người bạn được giới thiệu, để chào hỏi, bạn nên có cách ứng xử phù hợp khi chào hỏi. Bạn nên cởi mở, chủ động mỉm cười và cách ứng xử có thể là một cái bắt tay thân thiện từ bạn.
Bạn nên tìm hiểu về cách bắt tay trong giao tiếp để có thể tạo ấn tượng cho đối phương từ chính cái bắt tay chào hỏi đó.
Trong khi bắt tay với đối phương, bạn không nên im lặng mà nên bộc lộ cảm xúc của bản thân về cuộc gặp gỡ thông qua một lời chào xã giao. Tùy thuộc vào đối tượng mà bạn đang tiếp xúc để có những lời chào phù hợp. Ví như “Rất vui được gặp bạn” đối với người cùng trang lứa mà bạn vừa được giới thiệu, hoặc “Lâu rồi không gặp anh” với người bạn đã từng quen biết trong quá khứ. Bằng cách này chắc hẳn bạn không chỉ gây được thiện cảm với đối phương mà còn với tất cả những người có mặt xung quanh.
Tìm chủ đề nói chuyện
Đương nhiên bạn không thể chỉ chào hỏi rồi thôi, sau khi chào hỏi bạn cần có chủ đề để bắt đầu một cuộc nói chuyện. Bạn có thể nói về thời tiết, chuyện học tập, chuyện gia đình,… tùy thuộc vào mỗi đối tượng sẽ có một chủ đề khác nhau, tránh nói những chủ đề chỉ có bạn hiểu mà người khác thì không.
3. Chào hỏi trong môi trường kinh doanh
Khác với hai trường hợp trên, chào hỏi đối tác không chỉ là thể hiện con người bạn, mà còn đại diện cho cả doanh nghiệp của bạn trong môi trường kinh doanh. Do vậy việc chào hỏi ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của bạn trở nên tốt hơn hay xấu đi.
Diện mạo phù hợp với môi trường kinh doanh
Trước khi chào hỏi đối tác, bạn cần đảm bảo rằng ngoại hình của mình phải gọn gàng và chỉn chu. Cùng với đó là phong thái tự tin và thân thiện. Tuyệt đối không chào hỏi đối tác kinh doanh khi bạn chưa sẵn sàng về diện mạo của mình.
Chào hỏi theo chức vị
Khi chào hỏi đồng nghiệp hoặc những người làm ăn thân thiết, bạn có thể chào hỏi đơn giản. Không cần phải bắt tay, chỉ cần cười và cất lời chào. Nhưng ngược lại, khi chào hỏi đối tác có cấp bậc, chức cụ cao hơn bạn, bạn nên kết hợp với cử chỉ như cúi đầu hoặc bắt tay.
Hơn thế nữa, tùy thuộc vào hoàn cảnh gặp nhau mà lời chào cũng không giống nhau. Ví như khi vô tình gặp gỡ, lời chào của bạn không cần quá trang trọng nhưng cũng không được bất lịch sự hay dễ dãi. Bạn có thể bày tỏ sự ngạc nhiên hoặc niềm vui đối với cuộc gặp gỡ như “Chào anh, không ngờ lại gặp anh ở đây”.
Ở những cuộc gặp gỡ quan trọng như bữa tiệc họp mặt, các buổi họp thì lời chào còn phải thể hiện được sự trang trọng và lịch sự.
Kỹ năng chào hỏi ngày càng trở nên quan trọng với cuộc sống hội nhập như hiện nay. Biết cách chào hỏi cũng là lúc bạn biết cách chinh phục được tình cảm của người khác. Hy vọng với những kỹ năng chào hỏi mà camnanggiaoduc chia sẻ, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi cất lời chào hỏi với mọi người xung quanh.
>>> Tham khảo thêm :